Cuộc chiến lần thứ hai Chiến_tranh_Lưu_Tống-Bắc_Ngụy

Quân Tống thắng trận

Tháng 11 năm 423, Ngụy Minh Nguyên đế chết, con là Thác Bạt Đào lên thay, tức là Bắc Ngụy Thái Vũ Đế. Phía Lưu Tống cũng có thay đổi ngôi vua. Thiếu Đế Lưu Nghĩa Phù bị phế truất, em là Lưu Nghĩa Long được lập lên ngôi, tức là Lưu Tống Văn Đế.

Trong thời gian trị vì của Tống Văn Đế, thế nước cường thịnh nên nhà Lưu Tống mở các chiến dịch bắc phạt. Nhân lúc Bắc Ngụy phải đối phó với Nhu Nhiên phía bắc, năm 429, Tống Văn đế đòi Ngụy trả đất Hà Nam. Ngụy Thái Vũ đế không chịu.

Năm 430, Tống Văn đế sai Đáo Ngạn Chi mang quân bắc phạt. Tháng 7 quân Tống tới Tu Xương[11]. Quân Ngụy ở 4 thành Cao Ngao, Hoạt Đài, Hổ Lao và Kim Dung ít quân nên chủ động rút lui. Ngạn Chi thu 4 trấn rồi tiến đến bến Linh Xương[12] và chia quân tiến sang Đồng Quan phía tây. Bố trí phòng thủ xong, Ngạn Chi cùng Vương Đức Trọng mang quân về bản doanh ở Tu Xương.

Không thành kế

Các tướng Tống rất mừng vì thắng trận, chỉ có Vương Đức Trọng từng theo Đàn Đạo Tế ra trận lần trước cho rằng quân Ngụy sẽ chờ khi nước sông đóng thành băng để phản công. Tướng Thôi Hạo của Bắc Ngụy thấy quân Tống mắc sai lầm lớn là chỉ có 5 vạn mà dàn ngang 2000 dặm đông tây, nên lực lượng rất yếu ớt.

Tháng 10 cùng năm, Bắc Ngụy ra quân phản công, nhanh chóng lấy lại được Lạc Dương và Hổ Lao.

Tháng 11, Tống Văn Đế lại sai Đàn Đạo Tế đi tiếp ứng. Nhưng viện binh của Đàn Đạo Tế chưa đến nơi thì Đáo Ngạn Chi đã bị mất 2 thành nên hoảng sợ, hạ lệnh đốt thuyền, bỏ giáp nặng rút về Bành Thành.

Quân Ngụy đuổi theo đến Lịch Thành, Thái thú Tế Nam của Lưu Tống là Tiêu Thừa Chi chỉ có vài trăm quân, liệu chừng không thể chống lại đại quân Ngụy. Tiêu Thừa Chi trong lúc nguy cấp bèn áp dụng "không thành kế", cho mở toang cổng thành. Quân Ngụy sợ có phục binh không dám vào thành. Nhờ vậy Tiêu Thừa Chi giữ thành được an toàn.

Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng chính mưu kế này của Tiêu Thừa Chi gợi ý cho La Quán Trung ghép vào chuyện không thành kế của Gia Cát Lượng lừa Tư Mã Ý lúc ra Kỳ Sơn trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, còn giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý không có mẹo lừa không thành kế như vậy[13].

Đàn Đạo Tế lui binh

Tháng 2 năm 431, quân Ngụy giao tranh với Đàn Đạo Tế lên bắc cứu Hoạt Đài. Hai bên đánh nhau 30 trận trong hơn 20 ngày. Đàn Đạo Tế tuy ít quân hơn nhưng cũng đẩy lùi quân Ngụy đến Lịch Thành. Hai bên giằng co nhau ở đó đều bị tổn thất nặng. Tướng Ngụy là Thúc Tôn Kiến dùng kế đánh úp đường vận lương của quân Tống khiến Đạo Tế bị thiếu lương. Đạo Tế buộc phải rút quân. Quân Ngụy truy kích bắt được cấp dưới của Đạo Tế là Chu Tu Chi.

Một số người quân Tống bị quân Ngụy bắt nói ra việc quân Tống đang thiếu lương khiến quân sĩ lo lắng. Đêm hôm rút quân, Đàn Đạo Tế sai quân vãi lúa gạo ra mặt đất. Hôm sau quân Ngụy đuổi đến nơi thấy gạo vãi ra cho rằng quân Tống vẫn no đủ quân lương. Tuy nhiên, lực lượng còn lại của Đàn Đạo Tế vẫn rất ít so với đại quân Ngụy do hao mòn trên chiến trường. Khi quân Ngụy truy đuổi, Đạo Tế bèn hạ lệnh cho quân sĩ cởi hết giáp trụ, mặc quần áo trắng ngồi trên xe ngựa đi chầm chậm rời khỏi dinh. Quân Ngụy sợ có mai phục nên không dám đuổi nữa mà rút về bắc.

Cuộc bắc phạt của Tống Văn đế thất bại, quân Tống bị tổn thất khá nhiều, vũ khố vì vậy trống rỗng. Trong khi đó Bắc Ngụy đồng thời phát động chiến tranh tiêu diệt nước Hạ của Hách Liên Định. Qua đó các sử gia đánh giá thực lực của Bắc Ngụy về cơ bản dồi dào hơn Lưu Tống[14].